Trong tháng qua, hàng chục vụ chạm trán kinh hoàng với “Bigfoot” liên tiếp xảy ra ở vùng núi Garo hẻo lánh khiến người dân lo sợ đến mất ăn mất ngủ. Đến nước này thì chính phủ Ấn Độ không thể làm ngơ: một cuộc thám hiểm quy mô được tiến hành để làm rõ chân tướng quái vật.
Ít nhất 7 người dân sống trên đỉnh núi Garo, phía tiếp giáp biên giới Bangladesh, thề sống thề chết đã nhìn thấy một sinh vật lông lá khổng lồ nửa người nửa vượn, theo truyền thuyết địa phương được gọi là Mande Burung (Người Rừng). Các vụ chạm trán xảy ra ở các địa điểm khác nhau trong rừng rậm trong khoảng 3 tuần trở lại đây.
“Cảnh tượng thật kinh hoàng. Chính mắt tôi đã nhìn thấy hai người lớn và hai đứa trẻ nhỏ hơn. Cả 4 người bọn họ đều to lớn khác thường, người đầy lông lá, trán nhô ra như thể đội mũ lưỡi trai, da ngả màu nâu đen như vượn” - nông dân Wallen Sangma 40 tuổi vẫn chưa hết bàng hoàng.
Sangma cho biết anh nhìn thấy 4 sinh vật “người rừng” này từ khoảng cách 30 - 40 mét giữa đám cây cối um tùm gần làng Rongcekgre, cách thủ phủ Shillong của bang Meghalaya 350 km. “Tôi sợ hãi đến không nhấc nổi chân lên nữa, sau đó bọn họ dần biết mất vào đám cây rừng rậm rạp”.
Người dân Garo - phần lớn theo đạo Thiên chúa, một số theo thuyết duy linh - tin rằng sự tồn tại của Mande Burung là có thật, bằng chứng là rất nhiều truyền thuyết và truyện cổ Garo có nhắc tới sinh vật này. Người ta còn thường xuyên nhắc nhở nhau rằng, không ít trẻ con trong làng đã bị Mande Burung nữ bắt cóc làm con nuôi.
Nhà văn nổi tiếng L.R. Marak, người đã từng đạt giải thưởng văn học cao quý nhất Ấn Độ cho hay: “Không thể phủ nhận sự hiện diện của Người rừng ở núi Garo. Sẽ là quá vô tâm nếu cho rằng các nhân chứng đã nhìn nhầm gấu hay khỉ gorilla, hoặc đơn giản là do ảo giác”.
Từ năm 1997 đến nay, một đội thám hiểm nghiệp dư có tên “Hội Du lịch Achik” đã nỗ lực không mệt mỏi để tìm ra chân tướng quái vật bí hiểm này, mặc dù hầu hết trong số họ được trang bị rất ít kiến thức khoa học chính thống.
“Chúng tôi đã chụp ảnh và quay phim được rất nhiều dấu chân khổng lồ dài từ 30-40cm, thậm chí cả nơi trú ngụ của Mande Burung” - trưởng nhóm Dipu Marak cho hay.
Phân tích những dấu vết Người rừng để lại còn tiết lộ, những sinh vật lông lá này thuộc loài ăn cỏ, sống chủ yếu nhờ quả rừng như dâu, chuối, chồi non, vỏ, rễ cây... Chúng dùng lá khô để lợp “nhà” - những ngôi nhà không có mái mà chỉ có tường bao quanh.
Tổ chức Achik cho biết họ đã nắm trong tay mẫu tóc (được cho là) của Mande Burung. “Chúng tôi sẽ gửi mẫu vật này đi xét nghiệm DNA sau đó trình bày trước các tổ chức nghiên cứu về khoa học quái thú”.
Được biết năm nào cũng có một vài vụ chạm trán người rừng Mande Burung xảy ra ở Garo, tuy nhiên chưa bao giờ tần suất lại nhiều và gần nơi dân cư sinh sống như một tháng trở lại đây.
Theo truyền thuyết Bắc Mỹ cũng tồn tại một sinh vật có tên là Bigfoot, hay Sasquatch, thường trú ẩn ở những vùng rừng rậm ít người lui tới. Chúng đi bằng 2 chân giống người nhưng cao lớn hơn và đầy lông lá.
Người ta cho rằng những sinh vật này thực chất có quan hệ giống loài gần nhau nhưng được đặt tên khác nhau tùy theo từng quốc gia, ví dụ Yeti ở Tây Tạng và Nepal, Yowie ở Australia...
Theo India News