Một nạn nhân có khối u trong khu vực hypophyse của não kể rằng anh đã phải chung sống với ảnh gương suốt 7 năm trời. Người sốt phát ban nhiều khi cũng có cảm giác như một cơ thể thứ hai đang nằm cạnh mình trên giường. Những ai bị liệt nửa người thỉnh thoảng cũng kể về hiện tượng đó...
Nhà văn người Pháp Guy de Maupassant đã bị ảnh gương hành hạ suốt thời gian ông phải nằm bẹp trên giường vì bệnh giang mai.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra hiện tượng ảo ảnh này thường là các căn bệnh như tâm thần phân liệt, trầm cảm, thác loạn…, đặc biệt là những cơn đột quỵ hoặc căn bệnh ung thư tại khu vực hypophyse của não.
Nhà tâm lý học người Mỹ Geo Krizek của Bệnh viện St. Elizabeth tại Washington vừa thông báo rằng những tai nạn gây ảnh hưởng trầm trọng đến bán cầu não phải thường cũng có khả năng thổi lên những hình ảnh kỳ quái đó. Một trong những bệnh nhân của ông được đưa vào bệnh viện năm 15 tuổi sau một tai nạn giao thông với triệu chứng chảy máu trong bán cầu não phải. Vài năm sau, anh quay lại gặp Krizek vì đã gặp ảnh gương của anh ngay giữa phố, thậm chí đã nói chuyện với “người đó” trong suốt 15 phút.
Ảnh gương xuất hiện nhiều nhất ở nhóm người mắc chứng bệnh đau nửa đầu. Một nữ bệnh nhân 42 tuổi kể rằng thỉnh thoảng lại thấy một thân hình nữa của bản thân chị nằm bên cạnh. Trong những lúc như vậy, chỉ cảm thấy rất rõ ràng: nó ấm áp và mọi đường nét đều y hệt thân hình “thứ nhất” của chị.
Tài liệu ngành y ghi lại rằng cả những người mắc bệnh động kinh cũng thường phải chiêm ngưỡng bản thân mình kiểu ấy. Tác giả của Tội ác và trừng phạt, nhà văn Nga Dostoievski đã viết một cuốn tiểu thuyết có tựa đề Bản thể thứ hai, và trong những tác phẩm khác, thường các nhân vật chính của ông cũng luôn nhìn thấy ảnh gương bí hiểm: những bóng người xám xịt, không màu, đối mặt với nạn nhân trong ánh sáng mờ ảo của hoàng hôn hoặc sớm mai. Các chuyên gia phỏng đoán rằng nhà văn đã miêu tả những bức tranh xuất phát từ tâm hồn ông, thúc ép và hành hạ bản thân ông: người ta đồn rằng Dostoievski mắc bệnh động kinh.
Ảo ảnh, "con đẻ" của kiệt sức
Trong khi ảo ảnh của những người mắc bệnh đau nửa đầu hoặc bệnh động kinh thường xuất hiện sau những quầng sáng rực rỡ, thì ở những người khoẻ mạnh, chúng xuất hiện bất ngờ, không hề báo trước. Nỗi căng thẳng gay gắt về tình cảm, những sợ hãi hoặc những tình huống kiệt sức thường đã đủ cho ảnh gương bước vào thế giới chúng ta.
BS Dirk Arenz của Bệnh viện Thần kinh Andernach (Đức) giải thích: “Khi những giác quan mệt mỏi vì làm việc quá sức, hiện thực bên ngoài sẽ nhạt nhoà đi, những hình ảnh chỉ huy nội tại trồi lên, nắm quyền chỉ huy và… lao ra ngoài”. Tới lúc đó, theo BS Erich Kasten của Đại học Tổng hợp Magdeburg, trung tâm não bộ lưu trữ hình ảnh của chính bản thân bệnh nhân trong tình trạng quá mệt mỏi sẽ liên tục được kích hoạt và làm nảy sinh hiệu ứng nhân đôi ảo.
Việc trung tâm não bộ đóng một vai trò nhất định trong việc xuất hiện ảnh gương cũng đã được chứng minh qua số phận ngược chiều của những bệnh nhân Alzheimer. Theo thời gian, trung tâm não của họ ngày càng bị phá huỷ. Hậu quả là nạn nhân một ngày kia sẽ đứng trước gương và tự hỏi: kẻ lạ mặt nào đang nhìn ta trong gương kia?
Hiện thời, nhà tâm lý học Bernd Frank thừa nhận: “Chúng ta chỉ có thể lắng nghe, an ủi và cảm thông với họ”.
( theo tintuconline.com )