Toàn bộ dự án metro có thể ngốn trên 5 tỷ USD, chỉ riêng lập phương án hỗ trợ kỹ thuật "Chuẩn bị dự án metro tại TP HCM" đã mất 2,2 triệu USD. Phương án hỗ trợ kỹ thuật đã được UBND TP HCM phê duyệt cuối tuần qua.
Trong số 2,2 triệu USD, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) viện trợ không hoàn lại 1,7 triệu USD, Chính phủ góp 500.000 USD, số còn lại là của thành phố và các nhà đầu tư.
Với các yêu cầu lập kế hoạch xây dựng 2 tuyến metro ưu tiên và kết nối cùng các dự án xây dựng các tuyến vận tải có khối lượng lớn, dự kiến phương án kỹ thuật phải đến tháng 4 năm sau mới hoàn tất
Theo thiết kế ban đầu, hệ thống tàu điện ngầm TP HCM có tổng chiều dài 54 km, 6 đường ray và 22 nhà ga và 4 tuyến. Nhà ga trung tâm đặt ở Công viên 23/9, quận 1.
Các tuyến metro sẽ được xây dựng cuốn chiếu và dự kiến đến 2010 thành phố sẽ có 2 tuyến đưa vào hoạt động. Dự án sẽ hoàn tất vào năm 2020.
Mục tiêu của hệ thống metro nhằm thay thế 25% lượng xe gắn máy lưu thông trên đường đến năm 2010. Vào giai đoạn cuối 2020, giao thông công cộng bằng tàu điện ngầm sẽ giúp TP HCM giảm một nửa lượng xe gắn máy lưu thông trên đường.
Hiện TP HCM gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho dự án metro thành phố. Hồi giữa năm ngoái, Tập đoàn Siemens của Đức dự kiến sẽ đầu tư 2 tuyến metro tại TP HCM, vốn tổng vốn đầu tư khoảng 800 triệu euro. Trong đó, TP HCM chịu 30% vốn, còn lại vay với 100 triệu euro từ nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Đức và 20 triệu euro từ Áo.
Hệ thống metro TP HCM dự kiến bao gồm các tuyến:
1/ Bến Thành - Bình Tây - Phú Lâm - An Lạc: Dài khoảng 15km, ưu tiên thực hiện trước đoạn Bến Thành - Bình Tây dài 5km.
2/ Bến Thành - Gò Vấp: Khoảng 11 cây số chiều dài, ưu tiên một cho đoạn Bến Thành - công viên Chiến Thắng (quận Tân Bình) dài 5km.
3/ Bến Thành - Thủ Đức - Biên Hòa: 23km, ưu tiên làm trước phần Bến Thành - Thủ Đức dài 11 cây số.
4/ Tuyến Bến Thành - Thủ Thiêm đến vùng trung tâm khu đô thị tương lai là Xóm Chông, Xóm Mới, dài khoảng 5km.
Năng lực chuyên chở ước tính trong điều kiện chạy 5 phút/chuyến tàu 5-6 toa là 1.644 triệu lượt hành khách/năm. Dự kiến các tuyến tàu điện ngầm sẽ đảm nhận khoảng 600-800 triệu lượt hành khách vào những năm đầu sau khi đưa vào khai thác.
Trong tương lai xa, các tuyến metro sẽ phát triển dần thành tuyến vòng tròn khép kín như nhiều thành phố lớn trên thế giới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao trong nội thành cũng như các vùng phụ cận, nhất là trên các tuyến trục trọng yếu.
Viện KT HCM