Tottenham, Newcastle và West Ham, tất thảy đều đang say sưa mua sắm, mộng mơ với mỹ từ "cách mạng" hay "chấn hưng". Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, sẽ chẳng thể có bất cứ một xáo trộn nào ở top 4 trên bảng xếp hạng Premiership năm nay. Trong nhiều năm qua, 4 vị trí hàng đầu của Ngoại hạng Anh cứ quay đi quẩn lại với những cái tên MU, Chelsea, Liverpool và Arsenal. Vậy nên, khi West Ham mà đặc biệt là Tottenham và Newcastle muốn phá cái thế tập quyền ấy, cảm giác như đang có một dòng máu nóng rần rật chảy trong lòng Ngoại hạng vậy. Và sự kịch tính cùng những đột biến, hấp dẫn là điều có thể mong chờ ở mùa giải năm nay.
Newcastle (trái) liệu có cản được bước của các đại gia?
Tuy nhiên, thực tế thì những kỳ vọng ấy sẽ diễn ra như thế nào? Những "kẻ nổi loạn" ấy liệu có đi được đến tận cùng của đột biến, của bất ngờ để phá được cái thế đứng quá vững chắc ở nhóm 4 đội đầu bảng? Có lẽ là không? Tottenham, Newcastle, West Ham và nhiều đội bóng có cùng chí hướng với họ nữa sẽ chỉ sắm vai người giữ lửa cho Premiership mà thôi. Còn để bùng cháy, để gây nên những chấn động mạnh ư, có lẽ là... "còn khuya".
Tại sao ư? Câu trả lời trước hết nằm ở chuyện đẳng cấp. Đây không phải là năm đầu tiên ngọn lửa vùng lên được các CLB thấp cổ bé họng nhen nhóm. Nhưng, kết cục của những lần trước đó là gì? Tottenham cách đây hai mùa bóng dù đã căng sức nhưng vẫn không thể vượt qua được sức ép ở những vòng đấu cuối, để vượt mặt một Arsenal thời điểm đó đang mỏi gối, đành an phận ở vị trí thứ 5. Thứ hạng tốt nhất của họ trong lịch sử tham dự Premieship. Mùa giải vừa qua, đó cũng là vị trí của đội bóng thành London này
Còn Portsmouth và Bolton, Premiership 2006-2007 cũng từng để lại trong họ những ký ức đẹp, khi có thời gian dài liên tục đứng ở top 4. Nhưng, họ quả là không đủ sức lực và đẳng cấp để bám trụ ở đó, nên cứ tuột dần trong những ngày cuối để rồi phải trở về với "đời thường" của những đội bóng hạng trung. Năm nay, với món tiền khổng lồ được hưởng từ bản quyền truyền hình, họ quyết tung tiền ra để làm cách mạng. Tuy nhiên, cuộc cách mạng của họ không triệt để khi mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Họ vẫn thiếu những nền tảng thực sự để làm bệ phóng, để bứt lên.
Tottenham (áo trắng) dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng nhiều năm qua vẫn chưa hoàn thành được tâm nguyện vào top 4.
Về cơ bản, mua sắm nhiều là điều không sai. Những HLV như Martin Jol (Tottenham), Allardyce (Newcastle) hay Curbishley (West Ham) cơ bản sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Binh lực của họ được trải đều hơn. Những ngôi sao như Berbatov hay Michael Owen, Bellamy, Ljungberg sẽ có nhiều cơ hội hơn để hồi sức. Tính cạnh tranh trong đội sẽ cao, buộc các cầu thủ phải nỗ lực hơn mỗi khi được ra sân. Tuy nhiên, không phải cứ mua sắm nhiều là sẽ được đền đáp bằng thành công.
Bởi, vấn đề cốt lõi không nằm ở số lượng cầu thủ mua về mà là làm thế nào để kết hợp được họ với nhau, làm thế nào để họ khớp nhịp với đội bóng mới, làm thế nào để họ khẳng định được giá trị trong cái sức ép quá lớn của kỳ vọng. Những vấn đề ấy quả không dễ giải quyết trong nhày một ngày hai, nhất là khi phần lớn những tân binh của "nhóm nổi loạn" này thường chỉ là hạng tầm tầm. Chờ đợi một sự đột biến của những McCann, Helguson (Bolton), Viduka, Barton, Smith (Newcastle) hay Bale, Berchiche và ngay cả Darren Bent (Tottenham) e là hơi khiên cưỡng. Vả lại, Martin Jol, Allardyce và Curbishley có năng lực thật đấy, nhưng chưa bao giờ là những chiến lược gia đại tài.
8 năm Allardyce ở Bolton (trước khi sang Newcastle cuối mùa trước), ông cũng chỉ phát triển đội bóng này đến một tầm nhất định. Ba năm của Jol ở Tottenham vừa qua, mọi thứ vẫn chỉ dừng ở mức kỳ vọng. Còn Curbishley, nếu không có sự xuất thần của Tevez (giờ đã sang MU), West Ham mùa trước liệu có trụ hạng được không khi mà dấu ấn của ông là quá mờ nhạt. Nên nhớ, khi Curbishley mới đến với đội bóng này, ông từng "giam" Tevez một thời gian dài trên băng ghế dự bị.
Một điều nữa mà những "kẻ nổi loạn" cần phải ý thức là câu chuyện "nước nổi, bèo dâng". Tottenham, Newcastle đã bỏ một đống tiền ra mua sắm, nhưng những MU, Liverpool đâu có thua kém gì họ trong khoản này, thậm chí còn nhỉnh hơn nhiều. Chelsea dù không bỏ ra thật nhiều tiền (so với tên tuổi của họ) nhưng lượng tân binh mua về không thua kém ai (Ben Haim, Sidwell, Pizarro… đều là chuyển nhượng tự do). Arsenal, càng không rầm rộ (kém Tottenham tới 20 triệu bảng tiền mua sắm) nhưng với những sự bổ sung thiết yếu, trong tay Arsene Wenger có thể nói vẫn là một đội hùng binh.
Premiership năm nay sẽ hấp dẫn và kịch tính, nhưng e là không có nhiều xáo trộn ở top 4.
Trong bóng đá, mọi phép tính không phải lúc nào cũng đúng. Bởi song hành với nó luôn là sự đột biến vốn dĩ của môn thể thao này. Nhưng, đã là bất ngờ thì không xảy ra thường xuyên, lại càng không thể kéo dài suốt 10 tháng trời của mùa giải. Vậy nên, chân lý - dẫu sao - cũng vẫn thuộc về kẻ mạnh mà thôi.