Đến Đà Lạt những ngày đầu tháng tư, tôi nghe xôn xao câu chuyện bí ẩn về những bức phù điêu ở ngôi biệt thự đá kiến trúc Tây Ban Nha, nằm trên đường Quang Trung, phường 9, TP Đà Lạt, Lâm Đồng
Khu biệt thự này một thời của bà Phi Ánh, thứ phi vua Bảo Đại đến tiếp quản và ở, còn hiện tại Công ty TNHH Hoài Nam (Hà Nội) thuê để phục vụ kinh doanh du lịch...
Tháng 2/2007, được sự cho phép của UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH Hoài Nam đã tiến hành thuê thợ trùng tu, sửa chữa biệt thự đá theo lối kiến trúc Tây Ban Nha này để đưa vào hoạt động du lịch.
Trong khi trùng tu, những công nhân xây dựng đã phát hiện hàng chục bức phù điêu hai mặt được gắn chặt trên tường đá của ngôi biệt thự cung hình bán nguyệt này. Phần lớn các bức phù điêu còn khá nguyên vẹn.
Đáng chú ý trong số đó có 4 bức phù điêu được cách điệu theo hình hoa sen, một bức có hình hai con chim lạ ở trung tâm và xung quanh được trang trí nhiều hoa văn lạ, độc đáo. Bên trong phòng khánh tiết của ngôi biệt thự còn có 8 bức phù điêu được xếp kề nhau tạo thành một bức tranh hình chữ nhật.
Điều khiến nhiều người đặc biệt quan tâm và chưa thể lý giải được tại sao trong một biệt thự có kiến trúc phương Tây nhưng cách trang trí lại đậm đặc những họa tiết, phù điêu mang nét đặc trưng văn hóa phương Đông
Ngoài ra, một số người dân xung quanh kể lại, năm 1992, ông Bùi Như Gôm ở sau ngôi biệt thự này đã phát hiện dưới rãnh nước thải trong khuôn viên biệt thự có 2 bức tượng bị chôn vùi lâu ngày trong lòng đất.
Sau khi đào được gia đình ông Gôm đã đưa về một góc vườn. Hai bức tượng do ông Gôm tìm thấy có hình dáng giống hệt bức tượng cô gái Chăm cao khoảng 1,5 mét, đầu đội 3 ngọn tháp Chăm, chân quấn 3 vòng vàng được đắp nổi ở phần cửa chính của ngôi biệt thự.
Ngày 5/4, theo chân người cai quản ngôi biệt thự này, chúng tôi đã chứng kiến nhiều bức phù điêu khá đẹp mắt ở đây đang được phục hồi, trau chuốt trở lại một cách tỉ mỉ. Có thể nói, cả về kiến trúc, văn hóa cũng như các yếu tố khác liên quan đến ngôi biệt thự có một không hai ở Đà Lạt hiện vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn chưa thể lý giải hết được.
Liệu việc trùng tu với mục đích kinh doanh du lịch của một "đại gia" Hà Nội này có giữ được nguyên vẹn tính độc đáo và bản sắc văn hóa kỳ thú của biệt thự cổ trên phố núi du lịch này không?