Các nhà cận tâm lý cho rằng, mọi người và vật đều có khả năng phát hào quang, tuy nhiên có nhiều mức độ khác nhau và không phải ai cũng nhận ra điều đó.
Trong các họa phẩm cổ xưa đã xuất hiện người và vật có những vầng hào quang. Các vị thánh trong Thiên chúa giáo, Phật giáo, và các đạo giáo khác đều được mô tả có hào quang tỏa sáng trên đầu. Đức chúa ba ngôi lấp lánh hào quang, các vị Bồ tát đều phát quang minh, những đại tăng tu luyện lâu năm cũng tỏa sáng.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu theo trường phái cận tâm lý cho rằng, mọi người và vật đều có khả năng phát hào quang. Đó là một quầng sáng nhiều màu sắc bao bọc xung quanh cơ thể người hoặc vật, thể hiện một trạng thái năng lượng đặc biệt. Hiện tượng này có thể nhìn được bằng mắt thường, thông qua luyện tập, nhưng khả năng nhìn thay đổi theo tuổi tác.
Người ta chia hào quang ra thành Linh quang, Chính quang và 7 cấp năng lượng khác nhau. Hào quang có nhiều màu sắc. Khi tức giận, nó có màu đen hoặc đỏ thẫm. Người tu hành phát ra hào quang màu da cam. Màu sắc và cường độ của hào quang có liên quan đến sức khỏe.
Cũng theo các nhà cận tâm lý, thực vật phát ra các hào quang dưới dạng trường năng lượng, mạnh yếu tùy khả năng chịu đựng của chúng. Ví dụ như cỏ cây hoang dại có trường hào quang mạnh hơn những loài hoa trồng trong nhà, vì chúng có sức sống mãnh liệt hơn.
Máy chụp hào quang
Các nhà cận tâm lý cho rằng có rất nhiều các trường năng lượng khác nhau trong vũ trụ và trên thế giới. Trong khi đó, con người nếu không có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật thì sẽ bị giới hạn bởi 5 giác quan thông thường. Vì thế, có nhiều hiện tượng tồn tại mà chúng ta không nhận ra, ví dụ như những bức xạ vũ trụ, bức xạ điện từ trường trái đất, các bức xạ nhân tạo như laser. Như thế, việc con người không nhận ra hào quang của vạn vật cũng là chuyện bình thường.
Vào năm 1939, một kỹ sư điện người Nga đã vô tình khám phá ra hiệu ứng về sau mang tên ông: Hiệu ứng Kirlian. Ông là thợ điện làm việc trong một bệnh viện. Một lần trong khi sửa chữa máy điện cao tần, Kirlian bị phóng điện nhưng không hề hấn gì. Ông đã tìm cách chụp hình một vật đặt trong điện trường cao áp và thu được kết quả là hình ảnh của vật đó trên phim có quầng hào quang xung quanh. Quầng sáng đó có những đặc điểm riêng phụ thuộc vào từng loại vật chất.
Khi bệnh viện được trang bị một máy điện mới, Kirlian được phép dùng chiếc máy cũ để làm thí nghiệm. Ông đã tìm cách chụp nhiều loại vật chất khác nhau và làm cho hình ảnh hào quang của chúng ngày càng rõ nét, có hệ thống. Công việc tìm tòi của ông và các cộng sự đã gây được sự chú ý của nhà nước. Vào năm 1950, ông được cấp kinh phí để xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại hơn. Những kết quả nghiên cứu của Kirlian đã gây được sự chú ý của giới khoa học trong và ngoài nước.
Cùng phát triển theo hướng của Kirlian, vào năm 1970, George Hadjo (Anh) đã phát minh ra máy chụp hào quang sinh học. Ông là một thợ chụp ảnh và thay vì gắn một điện cực lên tấm phim theo phương pháp của Krilian, ông đã gắn nhiều điện cực khác nhau lên vùng nào đó của cơ thể và chụp hào quang của hầu hết các bộ phận.
Các nhà khoa học tự nhiên cũng đã lý giải về hiện tượng những bức ảnh hào quang của người, động, thực vật và đồ vật được ghi lại qua các phương pháp chụp khác nhau. Họ cho rằng, khi đặt một vật chất trong một điện trường cao áp thì sẽ xảy ra hiện tượng hấp thụ, tán xạ điện trường trên bề mặt của vật chất. Điều này dẫn đến thay đổi cường độ điện trường (gần giống trường hợp ánh sáng khi va chạm vào đồ vật cũng bị hấp thụ và tán xạ).
Hình ảnh của điện trường chụp được trên phim chỉ phản ánh hiện tượng đó, và như thế không có nghĩa vật chất phát ra hào quang. Nhưng mặt khác, các nhà khoa học tự nhiên đã không thể khẳng định được liệu có hay không hiện tượng các vật chất phát ra những trường năng lượng sinh học đặc biệt.
Trong khi đó, những người ủng hộ trường phái "hào quang" đã tiếp tục phát triển các máy chụp hào quang thế hệ khác nhau, thậm chí bán đại trà ra công chúng. Họ tập hợp các bức ảnh hào quang một cách hệ thống và liên hệ nó với những ứng dụng y học, tâm lý học.
Đó cũng là cơ sở cho sự ra đời môn khám bệnh qua chụp hình hào quang, dựa vào sự phân bổ "năng lượng" trên các bức hình để đánh giá tình trạng sức khỏe. Đại khái như, bệnh nhân nhiễm độc có hình ảnh vành năng lượng tách ra thể hiện sự suy thoái, bệnh nhân ung thư có vành năng lượng màu đen như than. Ở bệnh nhân tự kỷ, stress, sang chấn tâm lý, hình ảnh hào quang ở ngón tay đeo nhẫn sẽ rối loạn, phân tán, mù mờ màu đỏ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, chưa có bằng chứng nào cho thấy hiệu quả của việc khám, trị bệnh theo hiệu ứng Kirlian, nếu không muốn nói rằng đó là một phương pháp mơ hồ và chịu thiệt thòi vẫn là người bệnh. Cuộc giải mã hào quang của loài người đã trải qua hàng ngàn năm và vẫn đang tiếp diễn.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)