(Dân trí) - Sáng nay 04/07/2008, gần 600 nghìn thí sinh cả nước đã tham dự làm bài thi môn Toán. Nhìn chung các Hội đồng thi đều nghiêm túc, chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Về phía thí sinh vẫn còn những hình ảnh buồn như thí sinh bị ngất, bị đình chỉ thi…
Vẫn mang điện thoại vào phòng thi
Mặc dù đã nhắc nhở thí sinh khá nhiều về việc không được phép mang điện thoại di động vào phòng thi nhưng sáng nay tại điểm thi chính của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn có 1 thí sinh bị đình chỉ vì “cố tình” mang điện thoại di động, dù để ở trạng thái tắt máy.
Cũng ở Hội đồng thi này sáng nay đã có ít nhất hai thí sinh không được phép dự thi do đến muộn quá 20 phút.
“Việc thí sinh đến muộn có thể do nhiều nguyên nhân nhưng không thể vì thương các em mà chúng tôi làm sai quy chế. Đây cũng là những cảnh báo để các thí sinh khác cần phải đến điểm thi đúng giờ”, Phó Hiệu trưởng Đỗ Quế Lượng tỏ vẻ tiếc nuối cho những thí sinh gặp “vận đen”.
Tại TPHCM, nhiều thí sinh cũng đành “lỡ hẹn” với giảng đường khi đến muộn. Một số hội đồng thi ở khu vực này cũng bị thanh tra Bộ GD-ĐT phát hiện các sai phạm của cán bộ coi thi.
Đó là 2 công an tại Hội đồng ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Dân lập Kỹ thuật Công nghệ dùng điện thoại di động trong khu vực thi; Hai giám thị của Học viện Hành chính Quốc gia ký tên vào giấy thi trước khi thí sinh điền thông tin, một cán bộ coi thi mang điện thoại di động…
Suýt mất thi vì… đói
Đây là trường hợp hy hữu của một nam thí sinh đến từ Thanh Hoá, thi vào trường ĐH Thuỷ Lợi.
Ông Vũ Thanh Te, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thuỷ Lợi, Trưởng Ban coi thi tươi cười cho biết: “Thí sinh này thi tại điểm trường THCS Cát Linh, sau khi gọi vào phòng thi thì ngất xỉu. Các cán bộ đã phải đưa em xuống phòng y tế. Tại đây sau khi ăn tạm một chiếc bánh mỳ và uống một ly sữa thì thí sinh tỉnh lại ngay và xin phép quay trở lại phòng thi”.
“Đau lưng” vì dự thi tại các trường tiểu học
Trong đợt thi này, cả nước có 947 điểm thi với 24.711 phòng thi. Theo ghi nhận của chúng tôi, các thí sinh dự thi ở các điểm thi là trường tiểu học tỏ ra rất mệt mỏi khi ngồi hơn 3 tiếng đồng hồ làm bài trong hoàn cảnh bàn ghế quá thấp.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội đợt này cũng phải thuê 4 điểm thi tại các trường tiểu học (Thành Công B, Cát Linh, Đặng Trần Côn A và B với 113 phòng thi). Bàn ghế của các điểm thi này chỉ phù hợp với các em học sinh tiểu học, nên những thí sinh “dài lưng tốn vải” cảm thấy hết sức khó chịu khi ngồi làm bài hơn 3 tiếng đồng hồ ở đây.
Thí sinh Nguyễn Văn Hùng dự thi ở điểm thi Trường tiểu học Cát Linh cho biết: “Em cao 1m76 mà cứ phải gù lưng suốt 3 tiếng đồng hồ làm bài ở cái bàn quá thấp dành cho các em tiểu học. Mới môn đầu tiên đã đau lưng thế này, 2 môn tiếp theo chắc oải quá”.
Thí sinh Trần Đức Hải, dự thi điểm thi Trường tiểu học Thành Công A của Đại học Xây dựng Hà Nội với chiều cao 1m79 cũng than thở: “Chân em quá dài, bàn thấp, ghế nhỏ, nên chân cứ chuồi hẳn lên bàn trước. Có lúc mỏi quá nên chân đụng cả vào bạn thí sinh ngồi trước. Các giám thị không hiểu lại nhắc nhở em đừng có ngọ nguậy “hỏi bài” thí sinh ngồi trước”.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội cho hay: “Chúng tôi cũng hiểu nỗi khổ của các thí sinh, nhưng không có cách nào khác. Trường cũng muốn tìm các điểm thi tốt hơn cho các thí sinh, nhưng các trường khác đã thuê hết, có những điểm thi tốt thì lại ở quá xa không thuận lợi cho thí sinh dự thi”.
Các trường khốn đốn vì “hồ sơ ảo”
Theo tính toán sơ bộ ban đầu, với việc thí sinh đến dự thi chỉ đạt ở mức khoảng 62% thì trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã lỗ hơn 1 tỷ đồng.
Cũng rơi vào tình trạng tương tự, trường ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ biết than trời. Ông Nguyễn Thành Đô, Phó Chủ tịch Hội đồng thi trường này tâm sự: “Đây là năm mà trường có số lượng thí sinh đến làm thủ tục thi thấp nhất. Tính cả số thí sinh đến làm thủ tục dự thi bù sáng nay thì cũng chỉ đạt tỷ lệ 52,77%. Với số lượng hồ sơ ĐKDT ban đầu tăng mạnh so với năm 2007 nhưng số thí sinh đến dự thi lại giảm mạnh đã khiến cho trường bù lỗ ngót ngét 1 tỷ đồng”.
Có một điều đặc biệt là tại Hội đồng thi trường ĐH Kinh tế Quốc dân có thí sinh nộp cùng lúc 7 hồ sơ vào 7 ngành học khác nhau, tuy nhiên trường cũng không dám đưa 7 hồ sơ này về một số báo danh vì trường lấy điểm chuẩn theo ngành tuyển kết hợp với điểm sàn. Chính vì vậy, bàn ghế thi vẫn phải bố trí, còn thí sinh thì không thấy đâu.
Theo kết quả báo cáo của trường thì hầu hết các phòng thi đều bố trí 35 thí sinh, nhưng phòng nhiều nhất chỉ đạt 56% và ít nhất là 46%.
Khi được hỏi các trường có giải pháp nào để khắc phục “thí sinh ảo” hay không thì hầu hết đều lắc đầu.
Qua quan sát của chúng tôi, nhiều trường đã tiết kiệm kinh phí tuyển sinh bằng cách bố trí các bàn sát nhau hơn nhưng lại tăng cường giám sát. Tuy nhiên lại có một nghịch lý là có phòng thi thì rộng rãi do thí sinh vắng mặt nhiều nhưng lại có phòng thi thì lại rơi vào cảnh “quá tải”.